Viêm thanh quản, u lành tính, nang và polyp dây thanh là các bệnh về thanh quản thường gặp. Những bệnh lý này có thể được phòng ngừa bằng cách vệ sinh răng miệng thường xuyên, hạn chế hút thuốc, sử dụng rượu và kiểm soát tốt hội chứng trào ngược dạ dày, nhiễm trùng tai mũi họng,…
Thanh quản là gì?
Thanh quản là cơ quan nằm phía cổ trước, nối giữa khí quản và giữa hầu. Cơ quan được cấu tạo từ cơ, sụn, dây chằng, giữ vai trò vận chuyển luồng hơi lưu thông từ các phế nang ra bên ngoài và tạo ra âm thanh khi giao tiếp.
Thông thường, thanh quản nữ thường có kích thước nhỏ hơn thanh quản nam. Do đó giọng nói của nữ có xu hướng trong trẻo và cao hơn, trong khi đó giọng nam thường trầm và khàn.
Các bệnh lý về thanh quản thường gặp
Thanh quản nằm ở vị trí khá nhạy cảm (tiếp nối giữa cơ quan hô hấp trên và dưới). Do đó khi có tác nhân kích thích, thanh quản có thể bị viêm nhiễm và tổn thương.
Các bệnh về thanh quản thường gặp, bao gồm:
1. Viêm thanh quản
Viêm thanh quản là bệnh lý phổ biến nhất ở thanh quản. Bệnh xảy ra khi niêm mạc dây thanh bị sưng viêm do virus, vi khuẩn, nói quá nhiều, hít phải hóa chất, mắc hội chứng trào ngược dạ dày thực quản,…
Viêm thanh quản xảy ra ở 2 giai đoạn – cấp tính (dưới 3 tuần) và mãn tính (trên 3 tuần). Bệnh gây phù nề thanh quản, đau nhức cổ họng, tăng tiết nước bọt, khó thở, giọng khàn,…
Viêm thanh quản cấp thường được điều trị bằng kháng sinh và thuốc giảm đau. Trong khi đó, điều trị viêm thanh quản mãn tính đòi hỏi phải kết hợp nhiều phương pháp như phẫu thuật, liệu pháp luyện giọng, điều trị toàn thân và điều trị tại chỗ.
2. Ung thư thanh quản
Ung thư thanh quản là tình trạng khối u ác tính xuất hiện ở thanh quản. Bệnh xảy ra khi tế bào biểu mô phát triển quá mức, mất kiểm soát và làm phát sinh khối u ác.
Ung thư thanh quản thường không có biểu hiện đặc trưng nên rất khó phát hiện. Các triệu chứng thường gặp của bệnh là tình trạng ho kéo dài, khàn tiếng hơn 3 tuần, khó thở và sụt cân không có chủ đích.
Theo ghi nhận, có khoảng 20% người mắc bệnh ung thư thanh quản và xếp thứ 2 ở các bệnh ung thư vùng đầu – cổ, chỉ sau ung thư vòm họng.
Hiện tại nguyên nhân gây ra bệnh ung thư thanh quản vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên các chuyên gia cho biết, tình trạng loạn sản của tế bào có mối liên hệ mật thiết với rượu, thuốc lá, nhiễm khuẩn tai mũi họng kéo dài, viêm thanh quản mãn tính, u nhú dây thanh, từng chiếu tia xạ ở vùng trước cổ,…
3. U lành tính thanh quản
U lành tính thanh quản (Papilloma thanh quản) là tình trạng niêm mạc thanh quản xuất hiệu các u nhú nhỏ do nhiễm Human Papilloma virus. Biểu hiện lâm sàng của bệnh là tình trạng khàn tiếng, khó thở,…
Với những trường hợp không cắt u nhú kịp thời, dây thanh có thể bị bít hoàn toàn, gây tắc đường thở và tử vong. Trong một số trường hợp, u nhú có thể lan ra khỏi thanh quản và di chuyển đến phổi, phế quản và khí quản.
Hiện tại chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu đối với u lành tính thanh quản. Bệnh chỉ được kiểm soát bằng cách cắt bỏ u nhú và theo dõi thường xuyên.
4. Lao thanh quản
Lao thanh quản xảy ra khi trực khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis xâm nhập và gây nhiễm trùng khu trú ở niêm mạc dây thanh. Lao thanh quản là một dạng lao ngoài phổi thứ phát sau khi điều trị lao phổi hoặc lao hạch bạch huyết.
Vi khuẩn lao có thể di chuyển từ phổi, đi vào bạch bạch huyết, máu và đến thanh quản. Tuy nhiên cũng có thể vi khuẩn xâm nhập vào dây thanh do hoạt động khạc nhổ đờm.
Lao thanh quản là một dạng lao rất hiếm gặp (chỉ khoảng 1% trường hợp). Khi mắc bệnh, bạn có thể nhận thấy các triệu chứng như thay đổi giọng nói, đau khi nhai nuốt, ho, khó thở, khạc ra mủ, máu, …
Điều trị lao thanh quản chủ yếu là sử dụng kháng sinh đặc hiệu, kết hợp với chế độ chăm sóc, vệ sinh và nghỉ ngơi. Trong trường hợp không kiểm soát tốt, vi khuẩn có thể gây khàn giọng vĩnh viễn và khiến nhiễm trùng lây lan trên phạm vi rộng.
5. Polyp thanh quản
Polyp thanh quản là hệ quả do lạm dụng dây thanh quá mức khi đang bị nhiễm trùng thanh quản và vòm họng. Bệnh thường gặp ở người thường xuyên phải giao tiếp như giảng viên, ca sĩ, giáo viên,… Polyp dây thanh thường gây khàn tiếng, mệt mỏi, khó khăn khi nhai nuốt, khó thở,…
Ban đầu, bệnh được điều trị bằng các phương pháp nội khoa trong 2 – 3 tuần, bao gồm sử dụng thuốc, giảm mức độ giao tiếp và xông cổ họng với thuốc chứa steroid.
Trong trường hợp polyp có xu hướng tăng kích thước và có nghi ngờ ác tính, bác sĩ sẽ yêu cầu phẫu thuật nội soi để loại bỏ khối u. Sau phẫu thuật, bệnh nhân cần phải luyện thanh để phục hồi niêm mạc và giọng nói.
6. Nang dây thanh
Nang dây thanh là tình trạng niêm mạc dây thanh xuất hiện các nang chứa dịch nhầy hoặc mủ. Nguyên nhân gây bệnh là do lạm dụng dây thanh khiến tuyến nhầy bị tắc nghẽn và ứ đọng thành các nang. Đầu tiên, nang dây thanh sẽ gây ra tình trạng khàn tiếng và vướng khi nuốt. Sau khi nang phát triển lớn, bạn có thể gặp phải triệu chứng khó thở.
Phương pháp phẫu bóc nang dây thanh là lựa chọn điều trị tối ưu. Sau khi phẫu thuật, nang sẽ được loại bỏ, từ đó giảm tình trạng khàn tiếng và khó thở.
Phòng ngừa các bệnh về thanh quản
Thanh quản là “ cửa ngõ” nối liền giữa cơ quan hô hấp trên và dưới, đảm nhiệm vai trò lưu thông luồng khí bên trong phổi và tạo ra âm thanh nhằm phục vụ cho nhu cầu giao tiếp. Do đó bạn cần chủ động bảo vệ thanh quản và ngăn ngừa các bệnh lý ở cơ quan này với những biện pháp sau đây:
- Tránh tiếp xúc với người nhiễm vi khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis hoặc người đang mắc các bệnh truyền nhiễm.
- Giữ vệ sinh răng miệng bằng cách súc miệng với nước muối loãng 2 – 3 lần/ ngày và chải răng sau khi ăn.
- Điều trị triệt để các bệnh ở cơ quan hô hấp trên như viêm họng, viêm amidan, cảm lạnh, cảm cúm, viêm tai giữa, viêm VA,…
- Nâng cao sức đề kháng bằng cách ăn uống khoa học, sinh hoạt và luyện tập điều độ.
- Kiểm soát triệu chứng và tiến triển của bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD).
- Không sử dụng rượu bia, đồ uống chứa cồn và hút thuốc lá. Các thành phần kích thích trong rượu bia và hóa chất trong khói thuốc có thể gây hư hại niêm mạc thực quản và dây thanh.
- Đeo khẩu trang khi di chuyển ngoài trời, đến bệnh viện, bến xe hoặc những nơi đông người.
- Tránh tiếp xúc với các hóa chất độc hại và thường xuyên vệ sinh không gian sống.
- Hạn chế nói và la hét quá nhiều.
- Tránh sử dụng thức ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ và gia vị. Thay vào đó nên uống đủ 2 lít nước/ ngày, thường xuyên ăn trái cây và rau xanh để bảo vệ sức khỏe nói chung và dây thanh quản nói riêng.
- Cần nghỉ ngơi và giảm mức độ giao tiếp khi bị viêm thanh quản cấp.
- Hạn chế quan hệ bằng miệng và cần xây dựng đời sống tình dục lành mạnh.
- Thăm khám 2 lần/ năm để kịp thời phát hiện và điều trị các bệnh lý tiềm ẩn.
Các bệnh lý về thanh quản có thể khởi phát nếu bạn thường xuyên lạm dụng dây thanh, vệ sinh răng miệng kém, uống nhiều rượu bia, không điều trị dứt điểm nhiễm trùng,… Thông thường, các bệnh lý này đều được điều trị dứt điểm nếu phát hiện và chẩn đoán sớm. Tuy nhiên trong một số trường hợp, dây thanh có thể bị hư hại nặng nề và gây khàn giọng vĩnh viễn.