Trào ngược dạ dày thực quản là tình trạng dịch dạ dầy (bao gồm thức ăn, men tiêu hoá, hơi…) trào ngược lên thực quản. Bệnh gây ra các tổn thương ở thực quản, thanh quản, miệng… Do đó, việc chẩn đoán cần được xem xét, cân nhắc kĩ càng nhằm tránh dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như viêm, loét thực quản, loét dạ dầy tá tràng, ung thư hay hẹp hang môn vị dạ dầy…
7 dấu hiệu (triệu chứng) thường gặp khi mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản:
Ợ nóng, ợ chua
– Dấu hiệu điển hình nhất của bệnh trào ngược dạ dày thực quản là triệu chứng ợ chua, ợ nóng.
– Ợ hơi: Hơi được sinh ra trong quá trình chuyển hóa thức ăn. Bình thường hơi sẽ được tống ra ngoài theo đường hậu môn. Tuy nhiên khi cơ thắt thực quản dưới bị rối loạn chức năng co giãn, cụ thể là cơ thắt thực quản dưới bị giãn ra, hơi sẽ được đưa ra ngoài qua đường miệng. Đó là triệu chứng ợ hơi.
– Ợ nóng: Khi dịch dạ dày trào ngược lên thực quản, acid hoặc dịch mật trong dịch dạ dày tiếp xúc với niêm mạc gây cảm giác nóng, nóng rát. Đây chính là hiện tượng ợ nóng. Cảm giác nóng rát lan từ thượng vị lên dọc sau xương ức, có khi lan đến vùng hạ họng hoặc lên tận mang tai, kèm theo vị chua trong miệng.
– Ợ chua: Thường nhiều vào buổi sáng lúc bụng rỗng, đặc biệt khi đánh răng, nhiều bệnh nhân bị nôn ra nước vàng. Trương lực co bóp của dạ dày tăng lên cao nhất khi bụng rỗng, đẩy dịch dạ dày lên cao hết chiều dài thực quản, đến cuống miệng gây cảm giác ợ chua. Việc đánh răng cũng làm tăng kích thích, do vậy dễ gây nôn ở bệnh nhân trào ngược. Nước vàng, chua bệnh nhân nôn ra chính là acid trong dịch vị.
– Các triệu chứng ợ tăng lên ra sau khi ăn no, đầy bụng khó tiêu, uống rượu, uống nước cam, chanh hoặc khi cúi gập người về phía trước, khi nằm nghỉ. Theo TS. Walter J. Coyle, chuyên gia về dạ dày – ruột tại Đại học Torrey Pines Clinic (California, Mỹ): “Khi đứng thẳng, trọng lực giúp giữ thức ăn nằm yên trong dạ dày. Khi trọng lực giảm, hiện tượng trào ngược dễ xảy ra hơn”. Đó là lý do tại sao những người bị trào ngược dạ dày – thực quản mạn tính thường phải kê cao đầu khi ngủ và không nên ăn nhiều vào buổi tối trước khi đi ngủ.
Khi những triệu chứng đầu tiên này không được phát hiện và chữa trị kịp thời thì bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn nặng hơn, biểu hiện như sau:
Buồn nôn, nôn
Bị buồn nôn do trào ngược
– Khi trào ngược dạ dày – thực quản không được điều trị đúng cách, bệnh sẽ tiến triển nặng hơn, các chất trào ngược lên thực quản không chỉ là hơi, dịch tiêu hóa mà cả thức ăn – gây hiện tượng buồn nôn, nôn.
– Ngay cả khi bệnh chưa tiến triển nặng hơn, người bệnh cũng đã dễ nôn hơn người bình thường khi cùng chịu một tác động gây nôn giống nhau (say tàu xe, ốm nghén, thuốc điều trị ung thư …).
– Nếu tình trạng này diễn ra ngay sau khi ăn, khả năng bị trào ngược do acid dạ dày là khá lớn.
Đau, tức ngực
Biểu hiện đau tức ngực, khó nuốt của bệnh trào ngược dạ dày, cụ thể là: cảm giác đè ép, thắt ở ngực, xuyên ra lưng, cánh tay. Tuy nhiên hiện tượng này thực chất là do đau đoạn thực quản chạy qua ngực. Khi acid trong dịch dạ dày trào ngược lên thực quản, acid kích thích vào đầu mút các sợi thần kinh trên bề mặt niêm mạc thực quản, gây cảm giác đau.
Nhiều nước bọt, đờm nhầy
– Lượng nước bọt tiết ra trong miệng nhiều hơn cũng là một triệu chứng đáng chú ý của chứng trào ngược axit dạ dày. Thực chất, đây là một dạng khác của chứng ợ nóng. Khi gặp phải triệu chứng này, người bệnh sẽ có trạng thái thần kinh và phản xạ tương tự như khi bị nôn, một số bệnh nhân kèm theo triệu chứng nuốt vướng do dịch trào ngược gây phù nề, sưng, thu hẹp đường kính của thực quản hoặc cảm giác như có dị vật trong họng.
Khàn giọng, đau họng, ho, hen
Ho do trào ngược dịch vị từ dạ dầy thực quản.
Biểu hiện khàn giọng, đau họng, ho hen.
– Acid dạ dày trào lên thực quản sẽ làm viêm tấy dây thanh quản, gây khàn giọng, ho kéo dài.
– Nên thận trọng khi bị khàn giọng hoặc đau họng, nhất là khi hiện tượng xuất hiện sau khi ăn hoặc không đi kèm với các triệu chứng khác như hắt hơi, sổ mũi. Đây rất có thể là biểu hiện của chứng trào ngược dạ dày thực quản.
Khó nuốt
– Hiện tượng trào ngược dạ dày thực quản lặp lại nhiều lần, theo thời gian, sẽ gây ra tổn hại nhất định cho thực quản. Niêm mạc thực quản bị phù nề do tiếp xúc acid, gây hiện tượng khó nuốt (cảm giác vướng, nghẹn sau nuốt thức ăn độ 15 giây).
– Niêm mạc thực quản sau khi phù nề, khi lành để lại sẹo gây chít hẹp thực quản (một trong các biến chứng của bệnh) sẽ làm tăng cảm
giác khó nuốt.
Đắng miệng
– Cảm giác đắng miệng ở bệnh nhân trào ngược dạ dày thực quản là do dịch mật gây ra.
– Dịch mật được dự trữ trong túi mật và đổ vào tá tràng để tiêu hóa các chất béo. Ở một số bệnh nhân, vì một nguyên nhân nào đó (rối loạn thần kinh thực vật, thần kinh dạ dày, sự cố co cơ môn vị …), sự đóng mở của lỗ môn vị (nối giữa dạ dày và tá tràng) hoạt động không bình thường, khiến một phần dịch mật bị trào ngược vào dạ dày.
– Khi dịch dạ dày trào ngược lên thực quản có thể mang theo một lượng nhỏ dịch mật, khiến bệnh nhân có cảm giác đắng miệng