Khàn tiếng là tình trạng thay đổi âm sắc, giọng nói làm cho người bệnh bị mất tiếng, khàn tiếng, nói hụt hơi, nhanh mệt, thậm trí mất hẳn giọng . Bệnh nhân khàn tiếng thường là những người làm nghề có tần suất nói nhiều, nói to như giáo viên, phát thanh viên, người bán hàng, ca sĩ,… Bệnh liên quan tới nhiều yếu tố nguy cơ như thời gian làm việc kéo dài, cường độ của giọng lớn, thói quen hút thuốc lá, uống rượu hoặc mắc một số bệnh kèm theo như viêm mũi xoang (chủ yếu là các viêm xoang sau), viêm amidan, viêm dạ dày, trào ngược dạ dầy thực quản… Những người làm việc trong môi trường tiếng ồn cao, bụi bẩn, độc hại, nhất là bụi than và bụi hóa chất… cũng dễ mắc bệnh.
NGUYÊN NHÂN KHÀN TIẾNG
Cơ chế phát âm của chúng ta là sự phối hợp đồng bộ từ hoạt động của phổi đến thanh quản, của chuyển động lưỡi và môi, cả sự cộng hưởng âm thanh qua hệ thống mũi xoang, trong đó thanh quản rất quan trọng.
Khi ta nói, cơ hoành và các cơ lồng ngực hoạt động tạo nên một luồng không khí từ phổi đi lên, hai dây thanh rung động. Hai dây thanh này có lúc đóng kín, lúc mở, lúc căng ít, lúc căng nhiều, lúc dày hơn, lúc mỏng hơn so với trạng thái bình thường. Do hoạt động của hai dây thanh tác động lên vùng không khí tạo nên âm thanh của chúng ta lúc nói. Như vậy, khi có bất kỳ tác nhân nào làm hai dây thanh rung động không đều hoặc khép không kín sẽ gây hậu quả là KHÀN TIẾNG.
Trên cơ chế này, khàn tiếng có thể bắt nguồn từ hai lý do chính. Thứ nhất, khàn tiếng do tổn thương trên dây thanh, hạt xơ dây thanh, các nang hoặc u bướu dây thanh, hoặc viêm thanh quản do nấm, lao hoặc đơn giản chỉ là viêm thanh quản cấp do chúng ta phát âm quá nhiều, quá to hoặc do nhiễm siêu vi. Thứ hai, khàn tiếng do các tổn thương thần kinh, tổn thương não, ung thư thanh quản, ung thư tuyến giáp, ung thư trung thất hoặc do chấn thương…
KHÀN TIẾNG CÓ NGUY HIỂM KHÔNG?
Có người khàn tiếng ngắn hạn nhưng cũng có người khàn tiếng kéo dài chữa không dứt. Với những trường hợp khàn tiếng kéo dài, bệnh nhân đã uống nhiều thuốc mà không khỏi, có thể do thanh quản đang gặp vấn đề nghiêm trọng hơn là viêm thanh quản cấp đơn thuần, vốn có thể hồi phục nhanh trong vài ngày hoặc vài tuần với chế độ điều trị nghiêm túc. Có người bị ung thư thanh quản khàn tiếng kéo dài không hồi phục. Cách tốt nhất người bệnh cần đến bác sĩ chuyên khoa Tai – Mũi – Họng để được chẩn đoán, điều trị, không nên coi thường theo kiểu “khàn tiếng chút là hết”. Người bệnh cần được tiến hành chẩn đoán chính xác nguyên nhân bằng phương pháp nội soi để kiểm tra tổn thương tai, mũi, họng, hạ họng và thanh quản… để đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
Tuỳ thuộc vào nguyên nhân và mức độ tổn thương thanh quản mà các bác sỹ sẽ tiến hành điều trị và tư vấn cụ thể cho từng bệnh nhân.
Trước hết khi bị khàn tiếng bệnh nhân cần nghỉ ngơi, hạn chế sử dụng giọng nói tối đa, giữ ấm, uống đầy đủ nước hàng ngày. Bệnh nhân cần được điều trị đơn thuốc và bơm thuốc thanh quản tại chỗ hàng ngày nếu mới bị viêm cấp.
Đối với các trường hợp khàn tiếng có chỉ định điều trị ngoại khoa: Sau phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được bác sĩ hướng dẫn cách thức tự chăm sóc hoặc tập luyện để hồi phục giọng nói.
Riêng với điều trị bằng nội khoa, để kết quả điều trị đảm bảo nhanh chóng và hiệu quả, cần lưu ý những vấn đề sau:
– Uống thuốc đầy đủ theo y lệnh của bác sĩ và tái khám đúng hẹn.
– Giảm nói tối đa trong thời gian điều trị.
– Không ăn quá cay, quá nóng, quá lạnh, hạn chế hút thuốc, uống rượu bia.
– Tránh nơi quá lạnh hay gió lùa quá nhiều, tác động xấu đến thanh quản.
– Muốn giữ giọng, tránh khàn tiếng cần tránh để thanh quản làm việc quá sức kéo dài, không nói quá to, quá nhiều. Đồng thời tránh để thanh quản tiếp xúc nhiều với những tác nhân có hại như ăn uống quá cay, quá nóng, quá lạnh.