Chảy máu cam hay còn gọi là chảy máu mũi, đây là hiện tượng máu chảy ra từ mũi do các mạch máu bên trong mũi bị tổn thương. Chảy máu cam có thể do nhiều bệnh nhưng cũng có thể là hiện tượng bình thường của cơ thể. Vậy những yếu tố nào làm tăng nguy cơ chảy máu cam?
Các yếu tố làm tăng nguy cơ chảy máu cam
– Điều kiện khí hậu nóng, khô trong nhà: Đây được coi là yếu tố dẫn đến chảy máu cam thường gặp. Nhiều người thường có thói quen dùng nhiệt để sưởi ấm trong mùa đông hoặc sử dụng điều hoà thường xuyên vào mùa hè. Khi đó khí hậu trong nhà khô sẽ khiến cho niêm mạc mũi mỏng manh bị nứt và vỡ ra dẫn đến chảy máu cam, bệnh thường gặp khi giao mùa trước khi mô cơ thể kịp làm quen với sự thay đổi về thời tiết và độ ẩm.
– Vẹo vách ngăn mũi: Ở nhiều người, nếu vách ngăn giữa hai lỗ mũi bị lệch về một bên, dòng khí đi vào lỗ mũi sẽ không đồng đều. Sự thay đổi không khí này làm cho niêm mạc vách mũi bên hẹp bị khô dễ nứt ra dẫn đến tăng nguy cơ chảy máu.
– Cảm lạnh và dị ứng: Đây cũng là một yếu tố nguy cơ không thể xem nhẹ. Khi nhiễm trùng đường hô hấp và dị ứng gây viêm bên trong mũi, niêm mạc mũi sung huyết nhiều thì mạch máu càng giãn ra, làm cho chúng dễ tổn thương hơn. Hỉ mũi mạnh để làm thông thoáng mũi hoặc dụi mũi, ngoáy mũi nhiều do ngứa mũi cũng có thể làm cho mũi bắt đầu chảy máu hoặc chảy máu trở lại sau khi đã cầm máu.
– Tiếp xúc hoá chất kích ứng: Có thể kể đến nguyên nhân hàng đầu là khói thuốc lá, kể cả hút thuốc lá thụ động. Công nhân cũng có thể bị chảy máu mũi do phơi nhiễm nghề nghiệp với hoá chất như axit sulfuric, amoniac, xăng dầu hoặc các hoá chất kích ứng khác.
– Bệnh lý: Một số bệnh lý như suy thận, viêm mũi xoang polyp mũi, sau phẫu thuật mũi xoang, dị vật mũi, giảm tiểu cầu, tăng huyết áp và rối loạn đông máu bẩm sinh sẽ làm tăng nguy cơ chảy máu cam.
– Nghiện rượu nặng: rượu ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của tiểu cầu trong máu và điều này làm tăng thời gian cần để máu đông. Rượu còn làm các mạch máu nông giãn ra, dễ bị chấn thương và chảy máu hơn.
– Thuốc gây ảnh hưởng quá trình đông máu: chúng gồm các thuốc kê đơn như thuốc chống đông và thuốc kháng viêm không steroid (NSAID), chẳng hạn như aspirin và ibuprofen (sopstop, Motrin… và các thuốc khác).
– Thuốc xịt mũi nếu dùng quá thường xuyên và không đúng chỉ định của bác sỹ có thể dẫn đến viêm mũi do thuốc và chảy máu cam.
– Các thuốc vi lượng và thực phẩm bổ sung: một số thực phẩm bổ sung có chứa các chất hoá học làm kéo dài thời gian chảy máu tương tự như thuốc chống đông kê đơn. Một vài ví dụ là dong quai, feverfew, gừng, tỏi, ginko biloba, nhân sâm và vitamin E.
Ngoài ra còn có thể gặp chảy máu cam sinh lý như ở trẻ tuổi dậy thì, phụ nữ mang thai…
Tùy vào nguyên nhân, thăm khám bác sĩ sẽ có phương pháp điều trị cụ thể trên từng bệnh nhân.