Viêm mũi xoang là gì?
– Viêm mũi xoang là tình trạng viêm niêm mạc mũi và các xoang cạnh mũi. Đây là bệnh lý rất phổ biến ở nước ta, bệnh gây ra do nhiều nguyên nhân khác nhau như nhiễm khuẩn, siêu vi, dị ứng….bệnh thường hay gặp ở trẻ em từ 2 đến 6 tuổi. Tuỳ theo thời gian diễn biến của bệnh viêm mũi xoang được chia làm 3 thể: Viêm mũi xoang cấp tính kéo dài dưới 4 tuần, viêm mũi xoang bán cấp kéo dài 4 đến 8 tuần và viêm mũi xoang mạn tính kéo dài trên 8 tuần.
-Nhiều người có suy nghĩ rằng viêm xoang chỉ gặp ở người lớn, nhưng thực tế không phải vậy! Xoang sàng có ngay từ khi trẻ ra đời, xoang hàm có khi trẻ khoảng 3 – 4 tuổi, xoang trán và xoang bướm chỉ xuất hiện khi trẻ được 7, 8 tuổi, Vì vậy trẻ sơ sinh cũng có thể bị viêm mũi xoang! Tuy nhiên viêm mũi xoang ở trẻ em có khác so với người lớn (trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ).
– Viêm mũi xoang ở trẻ nhỏ có rất nhiều nguyên nhân khác nhau, thường gặp do vi khuẩn, vi rút, nấm…, hay gặp ở những bé sức đề kháng kém bị viêm mũi dị ứng, viêm mũi mủ kéo dài, viêm VA, viêm amidan, có bất thường về giải phẫu cấu trúc hốc mũi như vẹo vách ngăn, quá phát cuốn mũi, quá phát tổ chức lympho như VA , amydan… đặc biệt thời tiết là yếu tố thuận lợi khởi phát bệnh, trời lạnh trẻ rất dễ bị viêm nhiễm đường hô hấp trên do không được điều trị triệt để hoặc chủ quan không chữa dẫn đến biến chứng viêm xoang.
Một số biểu hiện cụ thể
– Chảy dịch mũi – ngạt tắc mũi: là triệu chứng chính, chảy mũi có thể trong, nhầy hoặc mủ kéo dài, trẻ lớn có thể không chảy ra mũi trước mà nuốt xuống họng dẫn đến ho đờm, đau họng, hơi thở hôi, trẻ trên 6 tuổi thường có thêm triệu chứng nhức đầu, người mệt mỏi, khó tập trung. Trẻ dưới 2 tuổi viêm mũi xoang thường đi kèm với viêm tai giữa, có thể biến chứng viêm phế quản phổi…
– Ho: là triệu chứng thường gặp, ho do dịch mũi xoang chảy xuống họng hoặc do ngạt tắc mũi bệnh nhi phải thở bằng miệng dẫn đến biến chứng viêm họng cấp, ho có đờm, hơi thở có mùi hôi, dễ nôn trớ.
– Sốt: bé có thể sốt hoặc không sốt tùy tác nhân gây bệnh, mức độ viêm và sức đề kháng của từng bé.
Chẩn đoán: dựa vào triệu chứng lâm sàng và khám nội soi tai mũi họng thấy dòng mủ hoặc mủ nhầy chảy từ khe mũi xoang ra sàn mũi hoặc chảy ra cửa mũi sau xuống họng.
Cách điều trị viêm xoang
- Làm giảm các triệu chứng lâm sàng.
- Điều trị nguyên nhân gây viêm nhiễm : vi khuẩn, vi rút, nấm….
- Phòng tránh các tác nhân gây viêm dị ứng như lông chó, lông mèo, khói thuốc lá, thuốc lào, bụi bặm, lông thú, phấn hoa, bọ, mạt nhà …
- Điều trị bệnh lý nền nếu có như trào ngược dạ dầy thực quản, suy giảm miễn dịch…
Khi trẻ có các triệu chứng như trên cha mẹ cần đưa con đi khám bác sỹ chuyên khoa tai mũi họng để được điều trị triệt để.