Trong những ngày gần đây, do ảnh hưởng của thời tiết, nhiệt độ ở các tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc, đặc biệt là Hà Nội đang ở mức rất cao, có nơi lên đến trên 40 độ C, làm ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống của người dân, đặc biệt những người làm việc ngoài trời, người già và trẻ em.
Thời tiết nắng, nóng làm cơ thể ra nhiều mồ hôi, gây mất nước , điện giải, đặc biệt là ở trẻ em dễ dẫn đến mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa. Thời tiết nắng nóng làm cho thức ăn, thực phẩm dễ bị ôi, thiu, dễ nhiễm nấm và vi khuẩn là nguyên nhân gây bệnh rối loạn đường tiêu hóa. Đặc biệt khi thời tiết nắng nóng sử dụng điều hoà ở nhiệt độ quá thấp hoặc chênh lệch nhiệt độ giữa trong nhà và ngoài trời cao dễ dẫn đến bệnh lý đường hô hấp gia tăng.
Phương pháp phòng tránh
- Hạn chế đi ra ngoài đường, ngoài trời nóng khi không thật cần thiết. Nếu bắt buộc phải đi ra đường, ngoài trời nóng thì phải đội mũ, mặc quần áo bảo hộ, đeo kính, khẩu trang… chống nắng và nóng.
- Cung cấp đủ lượng nước cho cơ thể, đặc biệt là những người lao động ngoài trời, mất nước nhiều nên uống bổ sung nước chanh hoặc nước pha muối loãng, nước bổ xung điện giải như Oresol… Tuy nhiên,do nắng nóng nên rất nhiều người cần bỏ thói quen uống nhiều nước đá hoặc nước quá lạnh dễ gây viêm họng.
- Không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp, thường không nên chênh giữa nhiệt độ môi trường và phòng điều hoà quá 10 độ hạn chế tình trạng sốc nhiệt, không nên để luồng khí lạnh của điều hoà và gió quạt thổi trực tiếp vào người, nhiệt độ nên để 25-26 độ ban ngày và 27-28 độ ban đêm, trong phòng nên dùng thêm máy phun sương tạo độ ẩm giảm thiểu triệu chứng khô mũi họng khi dùng điều hòa.
- Thực hiện ăn chín, uống sôi đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng cường dinh dưỡng, ăn thêm hoa quả để đảm bảo đủ vitamin, tăng cường sức đề kháng của cơ thể. Cần cho trẻ ăn đầy đủ các dưỡng chất cần thiết, bổ dưỡng, uống đủ nước và các loại sinh tố hoa quả và tuyệt đối tránh cho trẻ tiếp xúc với các môi trường ô nhiễm có nhiều khói thuốc và bụi bặm.
Trong các bữa ăn của trẻ, cần cung cấp nhóm chất bổ dưỡng như thịt, cá, trứng, sữa, rau xanh, hoa quả… hơn là sử dụng thuốc bổ dành cho bé. Không nên dùng đồ ăn ngọt như kẹo, bánh nhiều đường, nước uống có ga vì không tốt cho tiêu hóa của trẻ. - Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý.
- Thường xuyên vệ sinh tai mũi họng cho trẻ là biện pháp hiệu quả để phòng tránh bệnh cho trẻ. Cha mẹ nên rèn luyện cho trẻ thói quen tự giác đánh răng, rửa mặt, súc miệng thường xuyên sẽ là phương pháp hữu hiệu ngăn ngừa vi khuẩn có thể tấn công trẻ.
- Thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà, đồ chơi trẻ em, dụng cụ học tập… bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
- Nếu trẻ có các dấu hiệu chảy mũi nên sử dụng ống hút mũi mẹ con làm sạch mũi của trẻ để mũi thông thoáng sau đó nhỏ cho trẻ bằng nước muối hoặc thuốc như nemydexa , trẻ sẽ cảm thấy dễ thở hơn.
- Với trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi, sức đề kháng còn yếu, để phát hiện sớm các dấu hiệu mắc bệnh, các bậc cha mẹ cần lưu ý khi cho trẻ bú (bú ít, khóc khi bú), ngạt mũi, thở khò khè hoặc trẻ thở nhanh hơn, ngực lõm hơn, quấy khóc, thậm chí trẻ ngủ nhiều hơn bình thường. Khi thấy trẻ có những dấu hiệu này cha mẹ cần đưa trẻ đi khám để phát hiện và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.
- Lưu ý: đeo khẩu trang cho trẻ khi ra khỏi nhà. Trẻ cũng dễ bị lây chéo bệnh từ người lớn trong gia đình do đó cha mẹ cũng cần lưu ý phòng bệnh cho chính mình, tăng cường uống nhiều nước.
Khi trẻ mắc các bệnh về đường hô hấp, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám chuyên khoa nhi hoặc chuyên khoa Tai Mũi Họng và điều trị dứt điểm vì với những căn bệnh này, nếu như điều trị không dứt khoát bệnh diễn biến dai dẳng, rất dễ gây nên tình trạng nhờn thuốc ở trẻ và có thể để lại những biến chứng nguy hiểm cho trẻ. Do vậy, khi trẻ bị bệnh phải điều trị đủ liều, đủ thời gian theo sự hướng dẫn của bác sỹ. Có như vậy mới rút ngắn được thời gian điều trị, mang lại hiệu quả điều trị tốt hơn, hạn chế tối đa tái phát và tránh được những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra đối với trẻ.