Những lưu ý khi nhận biết và chăm sóc trẻ mắc bệnh
Bệnh sởi thường hay xảy ra vào mùa đông xuân, chu kỳ từ 2-5 năm. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 4 tuổi dễ dẫn đến biến chứng như viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, tiêu chảy… có thể gây nên tử vong. Trẻ mắc bệnh có thời gian ủ bệnh từ 7-21 ngày, sau đó có thể có đầy đủ các triệu chứng như sau:
+ Sốt cao > 39°C.
+ Viêm long đường hô hấp trên, chảy nước mũi, ho khan kéo dài, khàn tiếng…
+ Viêm màng tiếp hợp, mắt có gỉ kèm nhèm, sưng nề mí mắt.
+ Ban mọc theo thứ tự bắt đầu ngày thứ nhất từ đầu, mặt, cổ, ngày thứ 2 ngực lưng cánh tay, ngày thứ 3 bụng, mông, đùi, chân, khi ban mọc tới chân thì hết sốt và ban bắt đầu bay.
Hướng dẫn cách chăm sóc trẻ tại nhà
– Cách ly trẻ bệnh với trẻ lành.
– Trườm bằng khăn ấm cho trẻ ở trán, nách, bẹn khi trẻ sốt. Cho trẻ uống thuốc hạ sốt khi sốt ≥ 38.5°C , bổ xung điện giải như oresol, dùng thêm ceelin tăng sức đề kháng.
– Nhỏ mũi nếu có ngạt tắc mũi và hạn chế bội nhiễm viêm long đường hô hấp trên, cho trẻ xúc miệng nước muối loãng ấm hàng ngày. Nhỏ mắt bằng nước muối sinh lý hoặc thuốc nếu bội nhiễm viêm kết mạc.
– Người chăm sóc cần đeo khẩu trang, rửa tay sạch trước và sau mỗi lần tiếp xúc với trẻ bị bệnh.
– Vệ sinh thân thể như tắm hàng ngày, tránh để lạnh. Thay quần áo, vệ sinh môi trường xung quanh, giữ gìn phòng thông thoáng sạch sẽ.
– Cắt móng tay tránh gãi làm xước.
– Tránh quan niệm cho bệnh nhân kiêng tắm, sẽ làm cho bệnh thêm trầm trọng hơn.
– Trẻ còn bú mẹ vẫn tiếp tục cho bú và kết hợp chế độ ăn bổ sung hợp lý (nếu trẻ ≥ 6 tháng)
– Cách chế biến thức ăn: mềm dễ tiêu, nấu chín kỹ và khi ăn nên chia thành nhiều bữa. Tốt nhất nên chế biên theo khẩu vị của từng con, tăng cường các thực phẩm chứa nhiều Vitamin C như nước cam, nước chanh…
– Cho con đi khám bác sỹ khi trẻ có biến chứng như sốt kéo dài, ho nhiều, ngạt tắc mũi, chảy nước mũi, khó thở, đau tai…
Đặc biệt lưu ý, cần tiêm phòng cho trẻ đúng và đủ liều. Tiêm vắc xin là biện pháp bảo vệ trẻ hiệu quả nhất.