??̣̂?? ???̂? ??̃? ??̣ ?̛́?? là một bệnh khá phổ biến ở trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Theo những thông báo về dịch tế học tỉ lệ mắc các bệnh dị ứng đường hô hấp chiếm từ 10-15% dân số Thế giới. Việt Nam viêm mũi dị ứng chiếm khoảng 32 % trong các bệnh lý về tai mũi họng.
Ngày nay biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng tăng do vậy tỉ lệ mắc bệnh dị ứng cũng tăng theo gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và hiệu suất làm việc.
Nguyên nhân
- Do tiếp xúc với dị nguyên.
- Dị nguyên đường thở bụi nhà, lông thú, phấn hoa, bọ, mạt nhà…
- Dị ứng nguyên thực phẩm: trứng, sữa, các loại hải sản (tôm, cua, sứa….).
- Dị nguyên là các loại thuốc: kháng sinh các loại, giảm đau chống viêm…
- Cơ địa dị ứng (Atopic).
- Gặp những bệnh dị ứng như viêm mũi dị ứng, hen phế quản và chàm sơ sinh có đặc tính gia đình và sự di truyền.
- Sự quá mẫn: của từng cơ thể cũng có vai trò cơ bản, trước cùng một dị nguyên có xảy ra hiện tượng dị ứng hay không và phản ứng mạnh hay nhẹ.
Các thể viêm mũi dị ứng
Viêm mũi theo mùa
Thường gặp ở người trẻ, trẻ em lớn, hiếm gặp ở người già, có yếu tố gia đình, di truyền rõ. Dị nguyên thường là phấn hoa với điển hình là viêm mũi dị ứng mùa xuân với dị nguyên hoa cỏ.
Các triệu chứng điển hình: hắt hơi có thể một vài cái hoặc từng tràng, chảy nước mũi trong, ngạt tắc mũi xảy ra khoảng 7-15 ngày, nếu bệnh nhân không loại bỏ được yếu tố dị nguyên bệnh có thể kéo dài gây biến chứng như viêm mũi xoang polyp mũi, viêm mũi họng mủ, viêm phế quản co thắt…,bệnh thường kèm theo triệu chứng chảy nước mắt, ngứa mắt, đỏ mắt, viêm kết mạc.
Viêm mũi quanh năm
Các cơn tái phát thường xuyên, quanh năm, cũng thường có yếu tố gia đình
Dị nguyên rất đa dạng: thường gặp bụi nhà, nấm mốc, lông chó, lông mèo, bọ, mạt nhà…nhiều khi không xác định được dị nguyên..
Các triệu chứng không điển hình như viêm mũi theo mùa, ngạt tắc mũi là triệu chứng thường gặp và gây khó chịu nhất, đôi khi gặp chảy nước mũi ra cửa mũi sau, xuống họng gây ho dai dẳng.
Viêm mũi nghề nghiệp
Khi xảy ra với dị nguyên đặc biệt trong môi trường lao động sản xuất như bụi mịn, mùi thuốc nhuộm trong nhuộm vải, xưởng dệt… Bệnh thường được kể đến như một bệnh nghề nghiệp. Triệu chứng điển hình: hắt hơi, chảy nước mũi trong, váng vất đầu, ở một số người có thể có ho, tức ngực hay cơn hen suyễn.
Tiến triển
Thông thường các cơn dị ứng thường kéo dài vài ngày, sau đó tự qua đi dù không điều trị gì. Cơn sẽ tái phát luôn theo thời gian tiếp xúc với dị nguyên, theo tuổi tác, theo cơ địa dị ứng của từng người. Nếu viêm dị ứng kéo dài ảnh hưởng trực tiếp tới sinh hoạt hàng ngày, ảnh hưởng tới sức khoẻ và chất lượng của cuộc sống. Mũi tiết dịch nhiều, niêm mạc ngâm trong nước dẫn đến thoái hoá thành polyp làm bệnh nhân khó thở, giảm hoặc mất mùi. Nếu sức đề kháng giảm, cơ địa suy yếu dị ứng mũi dễ bị bội nhiễm trở thành viêm mũi xoang nhiễm khuẩn.
Điều trị viêm mũi dị ứng
Nguyên tắc đầu tiên: Loại bỏ dị nguyên
Muốn điều trị viêm mũi dị ứng trước hết phải thanh toán dị nguyên gây bệnh khỏi môi trường sống của bệnh nhân (mặc dù rất khó),có những bệnh nhân bị dị ứng mùi hoa sữa chỉ cần thay đổi địa điểm sống là bệnh không tái phát. Vì vậy loại bỏ được dị nguyên từng phần hoặc toàn phần khỏi môi trường sống là giải pháp tối ưu nhất.
Điều trị liệu pháp giải mẫn cảm.Đây là liệu pháp miễn dịch, giải mẫn cảm hệ miễn dịch của bệnh nhân với các dị nguyên gây viêm dị ứng đã được xác định( bệnh nhân cần đi khám và điều trị ở khoa dị ứng miễm dịch bệnh viện)
- Liệu pháp corticoid.
- Dùng thuốc kháng histamin.
- Kháng sinh: chỉ dùng khi có dấu hiệu bội nhiễm
- Phẫu thuật giải quyết các dị hình hốc mũi.
- Thanh toán dị nguyên hoặc cắt bỏ polyp mũi gây cản trở chức năng hô hấp.
Điều trị triệu chứng Là liệu pháp điều trị bằng thuốc. Chỉ dùng khi các biện pháp điều trị theo nguyên nhân kể trên không đỡ hoặc không thể tiến hành điều trị theo nguyên nhân được ta dùng các thuốc kháng Histamin, là những thuốc ức chế việc giải phóng hoặc tổng hợp các chất hóa học trung gian gây phản ứng dị ứng, hoặc dùng các sản phẩm tại chỗ có chứa corticoid. Những bệnh nhân viêm mũi dị ứng theo mùa, có thể phòng trước mùa bị bệnh khoảng một tuần đến 1tháng bằng uống các thuốc kháng histamin H1 (telfast, clarityne…) hoặc dùng các thuốc steroid dạng xịt tại mũi như rhinocort, budenase, nasonex…
Người có cơ địa dị dứng tự bảo vệ thế nào?
Những người hay bị hắt hơi như vậy phải biết tự bảo vệ mình bằng cách giữ ấm khi thời tiết chuyển mùa, tránh tiếp xúc với các dị nguyên gây viêm dị ứng, đeo khẩu trang khi đi đường, tránh tắm và gội đầu vào buổi đêm hoặc sáng sớm, trước khi vào phòng điều hoà nên hít một hơi thật sâu sau đó thở ra khi bước chân vào phòng để không khí ấm hơn ngay khi hít hơi lần hai rồi quen dần với không khí đó… Nếu dấu hiệu đi cùng là ngạt mũi ngày càng tăng, dịch mũi chảy ra màu vàng xanh, cần đi khám bác sỹ điều trị kết hợp với kháng sinh, chống viêm sớm vì lúc này có thể bệnh đã chuyển sang giai đoạn của viêm xoang. Việc điều trị không kịp thời sẽ gây ra những biến chứng như viêm họng, viêm thanh khí, phế quản làm cho thời gian uống thuốc kéo dài và người bệnh sẽ lâu phục hồi. Trường hợp cần thiết chỉ định phẫu thuật nội soi cũng được đặt ra để giải quyết tình trạng polip mũi độ 3 hoặc độ 4 ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng hô hấp của bệnh nhân hoặc chỉnh hình cuốn mũi nếu là tác nhân gây viêm dị ứng…
Điều trị viêm mũi dị ứng cần giải thích rõ ràng với người bị bệnh vì phải có sự phối hợp chặt chẽ của bệnh nhân và thầy thuốc do quá trình điều trị thường kéo dài 3 – 6 tháng. Điểm lưu ý khi điều trị những bệnh nhân này là các thuốc kháng histamin rất dễ gây quen thuốc do đó việc điều trị duy trì dưới sự theo dõi chặt chẽ của thầy thuốc rất quan trọng đối với bệnh nhân. Ngoài ra trong dân gian còn có thể dùng cây thuốc như kim ngân hoa, ké đầu ngựa, cây cỏ hôi điều trị viêm mũi dị ứng ( nếu hợp thuốc cho kết quả khả quan).