Triệu chứng và biến chứng của bệnh Viêm tai giữa ở trẻ em

Biểu hiện và hệ quả của viêm tai giữa ở trẻ

Viêm tai giữa là một căn bệnh có thể xảy ra đối với mọi người, ở mọi lứa tuổi. Nhưng đặc biệt, trẻ nhỏ ở từ 6 tháng đến 3 tuổi là đối tượng dễ bị mắc căn bệnh này nhất.

Viêm tai giữa ở trẻ nhỏ thường biểu hiện bằng các triệu chứng sau:

– Trẻ sốt, thường là sốt cao 39 – 40 độ C, quấy khóc nhiều, bỏ bú, kém ăn, nôn trớ, co giật…

– Nếu là trẻ lớn, sẽ kêu đau tai, ù tai, nghe kém, còn trẻ nhỏ chỉ biết lắc đầu, lấy tay dụi vào tai, quấy khóc, ho, nôn trớ, có thể sốt hoặc không.

– Rối loạn tiêu hóa: Trẻ đi ngoài lỏng, nhiều lần, xuất hiện gần như đồng thời với triệu chứng sốt.

– Ngoài ra, chất dịch, mủ ứ trong tai giữa gây cản trở đường dẫn truyền âm thanh, dẫn tới tình trạng khó nghe tạm thời.

Hãy để ý nếu trẻ có những dấu hiệu sau:

Không có phản ứng với âm thanh hoặc bật to Ti vi, radio; nói to hơn; có biểu hiện mất tập trung, trẻ lớn có thể học sút đi.

Tất cả các trẻ bị sốt không rõ nguyên nhân, ho, ngạt tắc mũi, chảy nước mũi hay tiêu chảy và nôn… đều phải được khám kỹ càng về tai mũi họng để có thể phát hiện sớm được bệnh viêm tai giữa cấp. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời bệnh sẽ tiến triển và trẻ có thể bị điếc.

Viêm tai giữa
Viêm tai giữa

Nếu không phát hiện bệnh cho trẻ ở giai đoạn đầu, vài ngày sau (2-3 ngày) bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn ứ mủ, nếu mủ phồng căng có thể tự vỡ mủ do màng tai bị thủng, mủ tự chảy ra ngoài qua lỗ tai. Lúc đó ta có thể thấy:

– Trẻ đỡ sốt, bớt quấy khóc, ăn được, ngủ được.

– Hết rối loạn tiêu hóa, đi ngoài trở lại bình thường.

– Không kêu đau tai nữa. Các bà mẹ tưởng chừng như bệnh đã lui nhưng thực ra viêm tai giữa đã bắt đầu chuyển sang giai đoạn mãn tính, với một dấu hiệu rất quan trọng: chảy mủ tai kéo dài.

Viêm tai giữa cấp ở trẻ nhỏ có thể gây thủng màng nhĩ, làm tiêu xương, gián đoạn chuỗi xương con… ảnh hưởng đến sức nghe của trẻ. Trẻ bị nghe kém, nhất là từ khi chưa phát triển lời nói, sẽ dẫn đến rối loạn ngôn ngữ (nói ngọng, nói không rõ âm, từ…) làm giảm sút nghiêm trọng chất lượng giao tiếp xã hội sau này. Nặng hơn nữa là những biến chứng như xẹp nhĩ hoặc biến chứng nội sọ cực kỳ nguy hiểm như viêm màng não, áp-xe não do tai, viêm tắc tĩnh mạch bên do viêm nhiễm lan từ trần hòm tai lên não hoặc gây liệt dây thần kinh mặt (dây số 7).

Điều trị viêm tai giữa cho bé

Việc chẩn đoán và điều trị viêm tai giữa ở trẻ nhỏ nhất thiết phải do các thầy thuốc chuyên khoa tai mũi họng tiến hành. Tùy theo từng giai đoạn của bệnh mà có cách điều trị khác nhau. Vì đây là một bệnh có thể gây biến chứng nặng nề do vậy các bậc phụ huynh tuyệt đối không được tự ý cho trẻ dùng kháng sinh khi chưa có ý kiến của bác sĩ.