Viêm thanh quản cấp ở trẻ em: Nguyên nhân và cách chữa trị

Viêm thanh quản cấp ở trẻ em là gì?

Bệnh có thể xảy ra bất cứ thời điểm nào trong năm nhưng thường gặp vào mùa đông – xuân hoặc đầu mùa hè vì lúc này virut gây bệnh phát triển mạnh hơn. Bệnh do nhiều loại virut cúm gây ra. Các loại virut này lây truyền qua dịch tiết hô hấp hoặc giọt nhỏ chất tiết trong không khí do ho, hắt hơi hoặc thở bắn ra. Virut xâm nhập cơ thể gây cảm lạnh ở trẻ nhỏ, sau vài ngày trẻ bất ngờ bị ho ông ổng.

Viêm tắc thanh quản (viêm thanh quản cấp do virut) là hiện tượng viêm thanh quản và đường hô hấp ngay phía dưới thanh quản. Bệnh hay gặp ở trẻ dưới 5 tuổi do đường thở nhỏ, dễ bị hẹp hơn khi viêm sưng nề. Tuy nhiên người lớn cũng có thể bị cảm lạnh và viêm thanh quản nhưng không bị tắc. Viêm tắc thanh quản thường trở nặng vào ban đêm và có thể kéo dài 5-7 đêm. Viêm tắc thanh quản tái diễn gọi là viêm tắc thanh quản co thắt. Biểu hiện bệnh nặng nhất ở trẻ dưới 3 tuổi.

Viêm tắc thanh quản thường biểu hiện giống bị cảm lạnh, như chảy nước mũi, ngạt mũi. Nếu trẻ nhỏ bị cảm lạnh rồi khản tiếng là chuẩn bị tiến triển sang viêm tắc thanh quản vào ban đêm. Dấu hiệu đặc biệt của viêm tắc thanh quản là tiếng ho to, khàn, ông ổng. Dấu hiệu đặc trưng này được mô tả là ho như tiếng chó sủa. Tiếng ho khan, không có chất tiết.
Kèm theo ho còn có các triệu chứng: khó thở nhẹ hoặc vừa, thở rít khi hít vào. Trẻ bị sốt nhẹ, giọng nói khàn, đau họng, nhất là đau sau cơn ho, tức ngực do ho nhiều. Thông thường khó thở chỉ ở mức độ nhẹ hoặc vừa, nên khi gặp trẻ khó thở nặng cần nhanh chóng đưa đi khám chữa bệnh.

Viêm thanh quản cấp
Viêm thanh quản cấp

Viêm thanh quản cấp ở trẻ có nguy hiểm không?

Bệnh viêm thanh quản cấp ở trẻ em thường diễn biến trong vòng 5 – 7 ngày rồi tự khỏi nếu không xảy ra biến chứng, đặc biệt là những biến chứng bội nhiễm dẫn đến mắc những bệnh nhiễm khuẩn khác, làm cho sức đề kháng của trẻ giảm sút trầm trọng như: viêm tai, viêm phế quản, viêm phổi… Vì thế, cha mẹ cần phải theo dõi sát các dấu hiệu bệnh của trẻ, đặc biệt là các dấu hiệu của biến chứng như: ho ông ổng, ngạt tắc mũi, vhayr nước mũi, thở miệng, đau tai, chảy dịch ở tai, khó thở tăng dần, thở có tiếng rít…

Viêm thanh quản cấp ở trẻ em thường diễn biến khá nguy nhanh, do đặc điểm ở trẻ có hiện tượng phù nề, trong khi kích thước đường thở lại nhỏ, chỉ bằng 1/3 so với người lớn, các tổ chức liên kết ở vùng này lại khá lỏng lẻo nên dễ gây khó thở nặng và có thể dẫn đến tử vong ở trẻ em.

Thêm vào đó, quá trình phù nề từ hạ thanh môn lan nhanh xuống khí – phế quản, đồng thời niêm mạc đường hô hấp dưới xuất tiết nhiều dịch nhầy đặc quánh, làm tắc lòng khí – phế quản gây ra chứng khó thở. Lúc này, trẻ thường đột ngột sốt cao và khó thở nặng, nhịp thở nhanh, thở ậm ạch, nghe có ral ở phổi.

Viêm thanh quản cấp ở trẻ em khi nào cần nhập viện?

Bệnh tiến triển khá bất thường, nếu diễn biến theo chiều hướng tốt, khó thở sẽ tự thuyên giảm sau vài ngày. Trong trường hợp xấu, tình trạng khó thở ngày càng tăng và trẻ sẽ tử vong trong vòng 24 giờ nếu không được xử trí kịp thời. Cơn khó thở của trẻ có thể chia ra thành 3 cấp độ

Cấp độ nhẹ: Trẻ bị ho, khàn tiếng, có tiếng thở rít khi khóc, tiếng khóc khàn. Giai đoạn này cha mẹ có thể theo dõi sát diễn biến bệnh cho con ở nhà.

Cấp độ trung bình: Trẻ thở rít ngay cả khi nằm yên, khó thở, thở rít, nhịp thở nhanh, ho nhiều, mệt mỏi. Khi nhận thấy những biểu hiện này, cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để được điều trị sớm.

Cấp độ nặng: Trẻ thở rít khi nằm yên, khó thở nặng, trẻ kích thích, vật vã, da tím tái. Đây là những biểu hiện cho thấy trẻ bị tắc nghẽn hô hấp nặng, nguy hiểm đến tính mạng nếu không được xử trí kịp thời.
Tóm lại, cha mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế khi trẻ có các biểu hiện:

Tiếng thở rít tăng dần, xuất hiện cả khi trẻ nằm yên.
Xuất hiện các dấu hiệu khó thở, nhịp thở bất thường, phập phồng cánh mũi.
Trẻ cảm thấy mệt nhiều, ho ông ổng thành từng tràng dài.
Trẻ có biểu hiện há miệng khi thở và chảy nước miếng.
Sốt cao trên 39 độ C, môi khô, lưỡi bẩn, chảy dịch ở tai (nghi ngờ bội nhiễm)
Cơn khó thở thanh quản tăng dần lên.
Nếu trẻ thở rít, khó thở hay sốt cao liên tục thì cha mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay.

Chăm sóc trẻ bị viêm thanh quản cấp.

Khi mắc viêm thanh quản cấp, trẻ cần được nghỉ ngơi tuyệt đối, nghỉ học ở trường, hạn chế nói chuyện, giữ ấm người, đặc biệt là giữ ấm vùng cổ, gan bàn chân, bàn tay.

Khi trẻ có những biểu hiện bội nhiễm như: Sốt, ho, chảy mũi… thì phải dùng kháng sinh, thuốc giảm ho, thuốc hạ sốt theo đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa nhi, tai mũi họng.

Mẹ có thể giúp trẻ làm giảm các triệu chứng khó chịu bằng cách đắp khăn nhúng nước ấm rồi vắt cho kiệt nước, đắp trước cổ trẻ khi khăn còn ấm nóng. Xông hơi trong phòng ngủ với tinh dầu thơm để thông mũi trẻ, nhỏ thuốc ngạt mũi, súc họng… giúp trẻ giảm đau, giảm ho và viêm họng.

Theo dõi các triệu chứng bệnh của trẻ, đặc biệt chú ý đến hơi thở, thân nhiệt, tổng trạng của trẻ để kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế khi tình trạng của trẻ diễn biến xấu đi.

Phòng tránh viêm thanh quản cấp ở trẻ em.

Không cho trẻ la hét quá lớn khi vui đùa để tránh khàn giọng.
Cho trẻ uống đủ nước để giữ cho niêm mạc thanh quản được ẩm và sạch.
Không cho trẻ ở quá lâu trong phòng có máy điều hòa không khí mà không có máy tạo độ ẩm, vì dễ làm cho cuống họng trẻ bị khô.
Tránh cho trẻ tiếp xúc với môi trường có nhiều khói, bụi, thuốc lá…
Nên cách ly trẻ với những người mắc bệnh (viêm đường hô hấp trên, cúm…) để tránh lây lan.
Bổ sung dinh dưỡng cho trẻ để tăng sức đề kháng.
Không cho trẻ dưới 5 tuổi ra ngoài trời khi trời khuya, không đưa trẻ đi chơi những nơi đông người, nhất là khi đang có dịch bệnh về đường hô hấp.
Khi trẻ có những dấu hiệu viêm thanh quản cấp bất thường, cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.